Việc lựa chọn 1 chiếc ghế công thái học phù hợp quả thực không dễ. Rất nhiều bạn đã mua đến chiếc ghế thứ 2, thứ 3 mà vẫn chưa cảm thấy hài lòng. Cá nhân mình phải đổi đến chiếc ghế thứ 4 thì mới thực sự vừa ý. Trong bài viết mình sẽ kể về hành trình mua ghế của mình để các bạn tham khảo, từ đó có thể rút ra kinh nghiệm cho bản thân để tránh tốn tiền vì mua phải những chiếc ghế không phù hợp.
Đầu tiên, các bạn nên biết rằng chúng ta có những nhu cầu sử dụng khác nhau, thể trạng và cơ địa khác nhau. Trải nghiệm trên những chiếc ghế đã từng sử dụng khác nhau, kinh nghiệm cũng khác nhau… Không có chiếc ghế nào phù hợp với tất cả mọi người mà chỉ có thể phù hợp với số đông hoặc số ít. Nó có thể phù hợp cơ thể với bạn, với nhu cầu sử dụng của bạn… nhưng lại không phù hợp với người khác.
Chắc ai cũng biết câu “không ai tắm hai lần trên một dòng sông” – nếu áp dụng vào trường hợp này: nhu cầu và kinh nghiệm/ trải nghiệm của bạn ngày càng thay đổi. Hôm nay có thể bạn hài lòng với chiếc ghế 1tr nhưng sau khi bạn thử một chiếc ghế 5tr thì bạn sẽ có cảm giác khác. Ngoài ra, sức khỏe của bạn cũng thay đổi theo thời gian. Thậm chí, chiếc ghế của bạn cũng thay đổi theo thời gian (ghế cũ đi, lưới bị chùng, hỏng…)

Đầu tiên, mình sẽ kể về hành trình chọn 4 chiếc ghế của mình.
Câu chuyện khá dài, nó liên quan một chút đến việc kinh doanh của mình. Mình sẽ nói qua về những ưu nhược điểm của từng chiếc ghế mình đã từng dùng. Nếu bạn không quan tâm và ngại đọc có thể kéo xuống tìm đọc phần các sai lầm khi chọn ghế và tiêu chí để mua ghế bên dưới cũng khá đủ kiến thức để bạn chọn ghế rồi.
Xin giới thiệu một chút, mình là founder của DandiHome, công ty thành lập năm 2018, với mảng kinh doanh chính là dụng cụ bàn ăn, đồ gia dụng nhà bếp. Cuối 2019, thì mình đã có những nhân viên đầu tiên, đây cũng là lúc mình quyết định mua 1 combo bàn ghế tử tế để ngồi làm việc vì thời gian mình sử dụng máy tính của mình từ 8-10h mỗi ngày.

Chiếc ghế đầu tiên, cuối năm 2019
Nó có giá gần 2tr, chỉ là ghế bình thường – không phải ghế công thái học, nhưng nó cũng nhiều tính năng. Hình thức khá đẹp nếu chỉ xem ảnh mạng.
Khi sử dụng mình mới thấy có những vấn đề: ghế hoàn thiện không tốt, ba-via khá nhiều, kêu cọt kẹt, mỗi lần ngả ghế ra là con ốc ở vị trí kệ để tay lỏng dần ra, vì thế trong ngăn bàn mình lúc nào cũng phải có cái tô vít để vặn con ốc đó vào.
Lưới của ghế đó thì chỉ có ở lưng và bị gião rất nhanh. Đệm ngồi thì bình thường, không nóng như ghế da, có mút dưới đệm, nhưng mặc quần soóc ngồi thì hơi… ngứa vì nó cọ vào da rất khó chịu. Thời gian mình sử dụng ghế này khá ngắn, chỉ vài tháng vì mình cảm thấy ê ẩm người, mỏi lưng khi ngồi lâu.
Chiếc ghế thứ 2, giữa năm 2020, chiếc ghế công thái học đầu tiên
Rút kinh nghiệm từ lần 1, lần này thì mình nghiên cứu hơn 2 ngày để mua ghế, ngày nào cũng lên amazon, taobao… để tìm hiểu.
Lúc đó mình mới biết thế nào là ghế công thái học, thế nào là các tính năng của ghế, thế nào là khung nhôm thì hơn khung nhựa, thế nào là điều khiển ghế dưới kệ để tay: không cần thò tay xuống chỉnh chỉnh …
Cuối cùng thì mình đã chọn chiếc ghế đắt thứ nhì của GTChair là Marrit: bởi vì nó có nhiều tính năng, tích hợp điều khiển dưới kệ để tay, khung nhôm và nó rẻ hơn hẳn cái ghế đắt nhất của GTChair là Dvary Butterfly. Mình nhớ hồi đó ship cái Marrit về là hơn 11tr – trong khi cái ghế Dvary giá là gần 17tr, đắt gấp rưỡi – nhưng Dvary lại là ghế bán chạy nhất bên TQ. Thời điểm đó, không có ghế ở VN để trải nghiệm, mình không hiểu tại sao cái Dvary đắt mà lại bán chạy thế. Cũng lăn tăn nhưng mình chọn Marrit cho rẻ.

Hồi đó (tháng 6 năm 2020), khi dùng ghế hơn 10tr mình đã nghĩ đây là cái ghế xịn nhất cái Hà Nội này rồi (lần đầu dùng ghế xịn nên mình có hơi “ngao“). Cảm giác ngồi ban đầu rất ngon. Nhưng, …ghế lại có các vấn đề làm mình không vừa lòng vì mình thuộc dạng khá khó tính.
Một số tính năng mình không hài lòng: kệ để tay đời cũ khá khó chịu, mỗi lần nâng hạ là phải căn căn chỉnh chỉnh rất mất thời gian. Sau này thì Marrit đã nâng cấp lên kệ để tay 5D đã fix được cái này. Nhưng đáng tiếc nhất là độ ngả của Marrit không lớn, khoảng 130 độ, khi ngả thì kệ để tay giữ nguyên – tức là khi ngả để thư giãn, nghỉ trưa, bạn không để tay trên kệ để tay được mà phải để trên bụng. Mà nhu cầu của mình hồi đó lại hay ngủ trưa trên ghế, nếu ngủ trưa thì mình thấy ghế 1tr của mình còn thích hơn.
Vấn đề tiếp theo: cảm giác ngồi lâu cũng bình thường, lưới dưới mông thì thoáng mát đấy nhưng ghế hơn 10 củ xịn nhất Hà Nội thì lẽ ra phải có cảm giác “như ngồi trên mây” chứ? Thậm chí mình còn bị đau lưng trong mấy ngày đầu sử dụng. Ghế này mà bị đau lưng là sao? Qua tìm hiểu, mình mới biết đó là do tư thế ngồi của mình trước đây không đúng, khi ngồi đúng tư thế thì có thể gây khó chịu ban đầu. Đúng là sang tuần thứ 2 thì ko còn thấy đau lưng nữa.
Nhưng 2 vấn đề chính của chiếc ghế này mà mình vẫn cảm thấy không hài lòng đó là cảm giác ngồi và ngủ trưa không sướng nên mình dự định bán chiếc ghế này. Với suy nghĩ bán được thì bán, không bán đc thì để dùng, dù sao thì nó vẫn đẹp và ngon hơn ghế cũ rất nhiều.
Mình có 1 website bán hàng (chính là website dandihome này luôn), thế là cứ thế mà đăng lên thôi. Bên TQ họ đăng thế nào thì mình copy như vậy. Có lẽ thời điểm đó quá ít người bán những chiếc ghế này, nên từ khóa ghế công thái học dễ lên top google dù web bên mình bán đồ nhà bếp là chính. Và rồi cũng có khách hàng tìm đến mình. Mình vẫn nhớ bác ấy từ Bắc Giang đi Cerato màu đỏ phi thẳng xuống HN để khiêng ghế về trong ngày. Nếu bác có đọc được bài viết này mong bác inbox em để em có quà đặc biệt dành cho bác. Ngày đó nếu bác không mua thì có lẽ giờ này em vẫn ngồi chiếc Marrit, có lẽ cũng không viết được những dòng này đâu ạ.
Chiếc ghế thứ 3, cuối năm 2020, Dvary Butterfly
Sau khi bán Marrit thì mình không ngần ngại lên đời Dvary Butterfly – chiếc ghế đắt nhất, bán chạy nhất của GTChair.


Khi sử dụng ghế Dvary Butterfly thì mình thấy dù bỏ ra gấp rưỡi tiền nhưng nó quá xứng đáng với số tiền bỏ ra. Dvary đẹp hơn Marrit nhiều, tính năng ngả thì đến giờ vẫn là vô địch trong làng ghế công thái học: ngả 160 độ kèm trượt đệm ngồi đồng thời. Kệ để tay liền với khung ghế nên khi ngả ra thì kệ để tay cũng ngả theo, rất thoải mái. Đây là những tính năng mà những dòng tầm trung của GTChair như Marrit, I-see, Ivino không có.
Đến tận bây giờ, mình vẫn khẳng định thư giãn và ngủ trưa trên ghế Dvary này là tốt nhất hiện nay dù đã ngồi rất nhiều ghế công thái học. Cảm giác ngồi của Dvary thì sao? Dvary có thiết kế đệm ngồi yên ngựa, cho cảm giác ngồi tốt hơn Marrit, nó ôm hơn, thích hơn – dù cảm giác ngồi của Dvary vẫn không được như kì vọng “như ngồi trên mây” của mình. Nhưng với từng ấy nâng cấp mà chỉ thêm hơn 5 triệu, mình thấy nó hoàn toàn xứng đáng, giải đáp được câu hỏi tại sao Dvary là ghế đắt nhất nhưng lại bán chạy nhất của GTChair tại thị trường TQ.
Khi ngồi Dvary thì mình cũng không bị đau lưng như hồi mới ngồi Marrit nữa, vì tư thế mình lúc này đã chuẩn rồi. Vấn đề duy nhất mình gặp phải khi ngồi Dvary là có cảm giác hơi ê mông khi ngồi lâu liên tục từ 2 tiếng trở lên – mình có hỏi mấy đứa bạn và vài khách hàng thì không ai phàn nàn về vấn đề này.

Dvary Butterfly vẫn là một chiếc ghế quá tốt đối với mình tại thời điểm đó. Với triết lý kinh doanh cái gì mình dùng trong 1 thời gian đủ lâu và cảm thấy hài lòng thì mình sẽ cố gắng để bán sản phẩm đó: cuối năm 2020, mình quyết định chỉ bán duy nhất chiếc ghế này theo kiểu order, vẫn đăng lên website dandihome như trước…
Dù sao thì bán 1 chiếc ghế thì cũng không khó để quản lý – mình vẫn có thể kinh doanh đồ nhà bếp bình thường mà không ảnh hưởng gì cả.


Chiếc ghế thứ 4, giữa năm 2021- Đỉnh cao của ghế văn phòng: Herman Miller Aeron
Dù Dvary Butterfly tốt là vậy nhưng nó vẫn chưa phải là 1 chiếc ghế hoàn hảo. Mình tự hỏi liệu có chiếc ghế nào nhiều tính năng nhưng lại có cảm giác ngồi “như trên mây” không? Vậy là mình quyết định tìm mua ghế Aeron – chiếc ghế được coi là ghế công thái học tốt nhất mọi thời đại để xem nó ngồi có hay hơn Dvary không. Thời điểm mình tìm hiểu và đặt mua Dvary Butterfly, mình có biết Aeron. Nhưng giá của nó ở Việt Nam quá đắt (hơn 60 triệu) và theo quan điểm cá nhân của mình tại thời điểm đó thì thiết kế của Aeron quá … xấu.
Cho những ai chưa biết, Aeron là ghế nổi tiếng nhất của thương hiệu Herman Miller – một thương hiệu chuyên sản xuất nội thất văn phòng có tuổi đời hơn 100 năm tại Mỹ. Ghế Aeron được thiết kế từ năm 1994 đến bây giờ gần 30 năm nhưng vẫn giữ nguyên thiết kế được coi là biểu tượng của Herman Miller.



Cuối cùng thì Aeron đã trở thành chiếc ghế phù hợp nhất với mình: phục vụ nhu cầu ngồi làm việc nhiều giờ mỗi ngày. Mình chuyển cửa hàng mới rộng rãi hơn, có phòng riêng nghỉ trưa nên mình cũng ko có nhu cầu ngủ trên ghế nữa.
Nói về tính năng thì Aeron kém Dvary rất nhiều, điều khiển thì phải thò tay xuống dưới đệm ngồi như những chiếc ghế thông thường. Nếu bạn mua phiên bản chân nhựa thì những ai không biết đến Herman Miller, khi nhìn qua trông nó như những ghế rẻ tiền vì có khá nhiều nhựa.
Nói về cảm giác ngồi “như trên mây” mà mình hay nói đến thì Aeron cũng không được như vậy – và có lẽ cũng sẽ không có chiếc ghế nào như vậy đâu :D. Nhưng quả thực cảm giác ngồi của Aeron hơn Dvary. Nó hơn thế nào thì bạn phải tự mình trải nghiệm để có nhận xét cho riêng bạn – vì như mình đã nói, chúng ta có những trải nghiệm khác nhau, cơ địa khác nhau … nên cảm nhận của mỗi người là khác nhau.
Trải nghiệm Aeron của mình là sau khi được sử dụng trong một thời gian đủ dài các ghế từ 1tr, 10tr, 15tr nên mình thấy được sự khác biệt. Nhưng nếu bạn chỉ mới dừng lại ở mức trải nghiệm ở cửa hàng mỗi ghế 15-20p thì có thể sẽ không cảm nhận được nhiều.

Những sai lầm của mình và nhiều bạn khi chọn ghế công thái học:
1. Sai lầm lớn nhất: chưa hiểu về giá trị của những chiếc ghế công thái học có thể mang lại, vì thế ngay từ đầu, ngân sách đầu tư cho ghế không phù hợp: ngồi làm việc nhiều giờ hàng ngày để kiếm tiền nhưng lại chọn ghế rẻ tiền để ngồi. Mình đã gặp không ít những người bị những bệnh liên quan đến cột sống do ngồi sai tư thế trong thời gian dài. Rất may là mình chỉ ngồi ghế rẻ tiền trong vài tháng.
Năm 2018, mình bỏ ra 20 triệu mua 1 chiếc điện thoại để dùng trong 1-2 năm. Điện thoại thì phục vụ giải trí là chính, vì mình làm việc trên máy tính là chủ yếu. Nhưng chiếc ghế có thể dùng trong 5-10 năm hoặc lâu hơn, phục vụ mình kiếm tiền, thì ngân sách của chiếc ghế đầu tiên lại chỉ có … gần 2 triệu đồng.
Mình gặp rất nhiều bạn có thu nhập rất tốt, ngồi làm việc nhiều… nhưng lại chỉ chọn ghế tương tự chiếc ghế đầu tiên của mình. Khi mình khoe chiếc ghế mình đang ngồi có giá hơn 40tr thì bạn ấy khá bất ngờ vì nghĩ rằng nó chỉ có giá vài triệu. Sau đó mình đoán cái đồng hồ Omega của bạn ấy đang đeo giá vài triệu thì bị đánh không trượt phát nào. Fun chút thôi, nhưng bản chất ở đây là bạn ấy chưa hiểu về chiếc ghế + nhu cầu sử dụng ghế của mình (làm việc 8h mỗi ngày); và mình cũng chưa hiểu về cái đồng hồ + nhu cầu (công việc, sở thích…) của bạn ấy.
2. Chọn ghế online, không qua thử ghế khi có chiều cao cân nặng quá thấp hoặc quá cao. Nếu bạn quá to béo thì chắc chắn sẽ không bao giờ thoải mái khi sử dụng 1 chiếc ghế nhỏ phải không?
Thông thường, để tiết kiệm chi phí, các hãng chỉ sản xuất 1 size ghế duy nhất. Size ghế này sẽ phù hợp với hầu hết mọi người. Nhưng ghế Aeron của Herman Miller lại có 3 size: A, B, C ứng với nhỏ, vừa, to. Theo mình thấy thì các ghế trên thị trường hiện nay thì có kích cỡ tương đương với Aeron size B – cỡ vừa. Bạn có thể xem bảng chọn size của Aeron để tham khảo, mình đã quy đổi ra đơn vị kg và mét để các bạn tiện theo dõi.

3. Thanh lý ghế kể cả loại đắt tiền khi sử dụng trong một thời gian ngắn. Nếu lí do là bạn muốn chọn ghế phù hợp hơn vì sai lầm ở trên thì ok, cứ tự nhiên tìm ghế mới. Nhưng nếu lí do bạn cảm thấy đau lưng, đau người khi ngồi trong thời gian đầu thì bản nên xem lại.
Có nhiều nguyên nhân gây đau mỏi khi ngồi ghế đắt tiền. Nguyên nhân chính là do trước đây bạn ngồi sai tư thế. Khi bị chỉnh ngồi đúng tư thế, bạn sẽ cảm thấy đau trong vài ngày, thậm vài tuần. Một nguyên nhân nữa là có thể bạn chưa chỉnh ghế phù hợp với cơ thể của bạn – ghế công thái học thường có rất nhiều tùy chỉnh để phù hợp với cơ thể của từng người, cần thời gian “vọc vạch” để làm quen với nó. Dưới đây là một ví dụ:


Tổng hợp 8 tiêu chí để lựa chọn ghế công thái học phù hợp
1. Thời gian sử dụng ghế hàng ngày:
Nếu bạn 1 ngày chỉ ngồi 30p-60p thì ngồi ghế nào cũng được. Nhưng nếu đã ngồi 4-6 tiếng trở lên thì bạn nên chọn một chiếc ghế tốt. Những bệnh của giới văn phòng khi ngồi quá lâu là không ít. Khi bạn còn trẻ, sức khỏe còn tốt thì chưa ảnh hưởng. Nhưng khi đã có tuổi một chút thì rất có thể “máy móc” sẽ không còn chạy ngon như hồi trẻ nữa đâu.
2. Thu nhập hàng tháng: Không có con số cố định bạn cần bỏ ra mấy lần hay một phần mấy thu nhập hàng tháng để mua ghế. Mình chỉ khuyên các bạn nên cân nhắc mua ghế theo thu nhập hàng tháng mà thôi.
- Năm 2014 mình có bỏ 1 tháng lương = 6 triệu ra để mua 1 cái đồng hồ với tần suất sử dụng 8 tiếng 1 ngày, nhưng 1 tuần dùng 2-3 lần đi vì mình đã có 1 cái đồng hồ trước đó.
- Điện thoại thì mình đổi khá nhiều, nhưng cứ tạm tính 1 tháng lương cho 2 năm sử dụng (thực tế có thể hơn nhiều lần).
- Không tính những chiếc ghế vài trăm nghìn mình đã dùng từ hồi đi học. Chiếc ghế đầu tiên ở trên có giá chưa bằng 1/10 thu nhập của mình lúc đó, tần suất sử dụng: 8 tiếng hàng ngày, 1 tuần 6-7 ngày.
Đồng hồ mình mua vì sở thích nhất thời, thời gian sử dụng không nhiều. Điện thoại mình mua cũng vì sở thích, phục vụ nhu cầu giải trí là chính, làm việc ít. Ghế mình mua phục vụ nhu cầu làm việc, thời gian sử dụng nhiều.
3. Nhu cầu và mục đích sử dụng: bạn sử dụng ghế để làm việc, học tập, chơi game, giải trí? Nếu để làm việc thì bạn có nhu cầu thư giãn trên ghế hay ngủ trưa hay không?
4. Thương hiệu ghế và thời gian bảo hành: một thương hiệu có tuổi đời hàng chục năm, đi kèm thời gian bảo hành 5-10 năm thì rõ ràng hơn thương hiệu mới thành lập, bảo hành ghế chỉ 1-2 năm phải không? Hãy hỏi kỹ về chính sách bảo hành, đặc biệt là đối với ghế lưới. Thường thì lưới giãn sau một thời gian, khi ngồi sẽ mềm hơn. Nhưng nếu lưới bị bung khỏi phần viền nhựa thì bạn sẽ được bảo hành đổi mới toàn bộ phần đó. Nhiều nơi bán ghế xánh tay không bảo hành tất cả những phần liên quan đến lưới, bạn nên lưu ý.
Nhiều bạn nghĩ rằng ghế thì có gì đâu mà hỏng. Điều đó chỉ đúng với ghế… đá. Chúng ta nên biết rằng món đồ nào càng có nhiều tính năng thì xác xuất bị hỏng sẽ cao hơn món đồ có ít tính năng.
5. Chọn ghế có khả năng thay thế được linh kiện khi hỏng: bạn dùng chiếc ghế đắt tiền mà chẳng may bạn làm rách lưới của ghế. Hoặc khi một bộ phận của ghế bị hỏng sau khi hết thời gian bảo hành, chả nhẽ bạn phải vứt cả chiếc ghế đó đi dù các bộ phận còn lại vẫn bình thường? Các ghế cao cấp hiện nay đều có thể thay thế được linh kiện.
6. Chọn mua ghế chính hãng và người bán có uy tín: để ngay cả khi ghế hết bảo hành thì bạn vẫn được họ giúp đỡ.
7. Chiều cao và cân nặng của bạn: Những chiếc ghế thông thường được thiết kế phù hợp với 80-90% dân số. Nhưng với những người quá nhỏ – đặc biệt là quá to cao nặng cân thì việc chọn ghế sẽ rất khó khăn. Vì thế bạn cần thử ghế trước khi mua.
8. Sở thích cá nhân: đôi khi bạn mua 1 món đồ đắt tiền nhưng có khi vài tuần mới đem ra sử dụng, hoặc cất đi trưng bày. Đơn giản là bạn thích và đủ tiền mua nó.
Bonus: tư vấn ghế nếu ngân sách không giới hạn
Nếu bạn hỏi mình tư vấn ghế, mình sẽ hỏi nhu cầu của bạn và tư vấn bằng kinh nghiệm của mình. (Nhắc lại 1 lần nữa, cảm nhận ngồi ghế mỗi người là khác nhau, mình chỉ tư vấn dựa trên cảm nhận của mình, bạn nên tham khảo nhiều nguồn review sản phẩm cũng như nên thử ghế trước khi mua)




