Việc chọn một bộ bàn ghế tốt, để bé có thể sử dụng lâu dài là ưu tiên của mình và cũng là của rất nhiều phụ huynh hiện nay. Mình đưa ra 2 tiêu chí cơ bản khi lựa chọn bàn ghế cho bé:
- Bàn + ghế tốt để có thể sử dụng trong thời gian dài: thời gian sử dụng 2-6h hàng ngày và có thể dùng đến khi bé học cấp 2, cấp 3, thậm chí đại học, sau đại học…
- Ghế ngồi thoải mái: ghế tốt nhưng chưa chắc đã ngồi thoải mái. Liệu một chiếc ghế bằng gỗ đắt tiền thì bé có thể ngồi thoải mái được không?
Các loại bàn ghế phổ biến cho bé hiện nay:
Bàn ghế gỗ dành cho trẻ em
Ưu điểm: có thể làm hợp với nội thất nhà bạn và hoàn toàn có thể sử dụng lâu dài nếu được đóng bởi gỗ tốt.
Nhược điểm: vì bé còn nhỏ nên việc ngồi một chiếc ghế gỗ phù hợp là rất khó. Trong ảnh là một chiếc ghế có thể điều chỉnh độ cao để phù hợp với bé khi bé lớn dần lên. Ngoài ra, cao độ bàn phù hợp với bé cũng đáng quan tâm – trong ảnh thì mặt bàn đang hơi cao so với bé khiến khoảng cách từ mắt đến vở quá gần. Vì thế bạn cần cân nhắc thật kỹ khi lựa chọn phương án này.
Bộ bàn ghế dành cho trẻ em:
Có rất nhiều lựa chọn cho bé khi mua những bộ bàn ghế thế này, với các mức giá tùy vào ngân sách của các bạn. Đặc điểm chung là bàn ghế đều có thể điều chỉnh chiều cao để phù hợp với bé. Vì nhóm bàn ghế này rất nhiều nên mình sẽ gợi ý những loại sau:
Bộ bàn ghế giá rẻ:
Là loại dành cho trẻ mẫu giáo bắt đầu tô màu, đọc chữ, vào cấp 1: loại này cũng có thể nâng hạ bàn/ ghế nhưng chất lượng khá … tệ. Bàn ghế nhỏ, gỗ công nghiệp, khó có thể dùng lâu dài được. Nhưng với giá chỉ vài trăm nghìn đồng thì bạn cũng có thể mua cho bé sử dụng trong thời gian ngắn trước khi mua một bộ bàn ghế tốt hơn.
Bộ bàn ghế danh cho trẻ em loại tốt và cao cấp:
Khi bé bắt đầu vào cấp 1 thì cũng là lúc các bạn tìm mua cho bé những bộ bàn ghế tốt hơn dành cho bé. Với 2 bộ bàn ghế ở trên thì đều có thể nâng hạ chiều cao ghế và bàn phù hợp với bé. Bàn ghế càng cao cấp thì sẽ càng có nhiều tính năng: giá sách trên bàn, bánh xe trên ghế, đệm ở mông và lưng ghế giúp bé có thể ngồi êm ái …
Ưu điểm: nhiều mẫu mã, kiểu dáng để lựa chọn. Nếu bạn xác định mua một bộ bàn ghế tốt để bé sử dụng trong thời gian 5 năm cấp 1 thì có lẽ đây là sự lựa chọn hàng đầu.
Nhược điểm:
- Những loại ghế có nhựa ở mâm ngồi và tựa lưng: khi bé ngồi sẽ có cảm giác mát mẻ nhưng lại khá cứng, không thích hợp ngồi lâu. Bạn có thể khắc phục bằng cách mua một miếng lót cao su đặt lên mâm ngồi để bé có thể ngồi êm ái hơn.
- Những loại ghế cao cấp có đệm mút ở mâm ngồi và tựa lưng: khi bé ngồi sẽ có cảm giác êm ái nhưng lại khá nóng vào mùa hè.
- Thích hợp với học sinh cấp 1. Khi lên cấp 2, bé sẽ lớn rất nhanh, và sở thích cũng sẽ thay đổi và có thể khi đó bé sẽ không thích những bộ bàn ghế dành cho trẻ em như thế này nữa.
- Bố trí máy tính khó khăn: thường thì bàn loại này chỉ có kích thước dài 1,2m rộng khoảng 50-60cm, việc bố trí màn hình máy tính trên bàn sẽ khá khăn trong thời điểm bé cần máy tính để học online hiện nay.
- Hầu hết ghế đều không có kệ để tay, đây là option cần thiết khi sử dụng máy tính sau này.
Bàn ghế dành cho người lớn:
Bàn ghế dành cho người lớn có nhược điểm là quá to: bàn cao, ghế cũng cao và rộng nên bé sẽ ngồi lọt thỏm bên trong; ghế có bánh xe nên bé sẽ ngọ nguậy khi học bài vì trẻ em thường hiếu động… Tất cả những nhược điểm trên đều có thể giải quyết:
Bàn quá cao: chỉ cần chọn bàn nâng hạ loại có thể hạ xuống 60cm là bé hoàn toàn có thể sử dụng được. Trong bức ảnh rên, số 1 là bàn nâng hạ có thể hạ xuống thấp nhất 60cm. Bé lớp 1 nhà mình đang để chiều cao bàn là 66cm – tương ứng với chiều cao của ghế đang hạ thấp nhất là 45cm.
Ghế quá cao: Đối với người lớn, chiều cao ghế thường ở mức 50-52cm, nhưng đối với trẻ em, chiều cao ghế dù có hạ xuống thấp nhất là 45cm như chiếc ghế trong ảnh trên thì vẫn quá cao, chân bé sẽ không chạm đất. Vì thế cần một chiếc kệ để chân (số 2 trong bức ảnh) cho bé.
Ghế quá rộng: Dù bạn có chọn ghế có tính năng điều chỉnh độ rộng của mâm ngồi thì bé vẫn bị tình trạng “lọt thỏm” bên trong ghế. Ở trên ảnh là ghế I-see X có khả năng điều chỉnh mâm ngồi từ 42-47cm, và mình đã đặt thêm 1 miếng đệm lưng dành cho ghế văn phòng loại dày nhất, 12cm (số 3 trong bức ảnh trên) để đẩy bé ra phía trước. Bé nhà mình đã thực sự ngồi thoải mái học bài khi tựa lưng vào chiếc đệm này.
Vị trí số 4: kệ để tay trên ghế sẽ rất cần thiết khi bé sử dụng máy tính trong tương lai:
Vị trí số 5 – bánh xe: thường thì ghế dành cho người lớn là loại bánh xe di động, có thể di chuyển trên sàn. Nhưng đối với trẻ em, việc di chuyển này là không cần thiết, bé cần cố định để tránh phân tâm khi học bài. Vì vậy, bạn có thể thay bánh xe đi kèm ghế bằng phụ kiện cố định ghế dưới đây:
Như vậy, tất cả các nhược điểm của bàn ghế người lớn đều có thể khắc phục được và bé hoàn toàn có thể sử dụng từ khi bắt đầu đi học cho đến khi tốt nghiệp.
Nhưng bạn vẫn cần lưu ý khi chọn loại bàn ghế này để thời gian sử dụng dài nhất:
- Chân bàn: chọn loại 2 motor – 3 ống, là loại chắc tốt nhất hiện nay với khả năng hạ sâu tới 60cm. Các loại dùng 2 ống chỉ hạ xuống được 70cm thì vẫn là rất cao so với bé.
- Chọn loại mặt bàn bằng gỗ tự nhiên, không sử dụng gỗ công nghiệp: gỗ tự nhiên luôn có độ bền cao hơn. Mặt bàn cũng nên rộng rãi để có thể kê được máy tính. Mặt bàn phổ biến ở Việt Nam có kích thước 60x120cm là khá nhỏ. Theo mình thì nên chọn theo tiêu chuẩn châu Âu: chiều rộng mặt bàn là 30inch = 76cm. Chiều dài mặt bàn là từ 1m2 trở lên. Tốt nhất là 1m4 đến 1m8.
- Chọn ghế chính hãng của thương hiệu lớn, bảo hành dài và có thể thay thế được linh kiện. Trên thị trường hiện này có rất nhiều loại ghế nhưng không phải loại nào cũng được hãng bảo hành dài và có thể thay thế linh kiện khi hết bảo hành. Những chiếc ghế đặt tiêu chuẩn mình nêu trên có giá không rẻ, nhưng tính trên ít nhất 12 năm sử dụng – mà bé bé được ngồi thoải mái, không cần nâng cấp, thì chúng lại không đắt.
- Các bạn có thể cân nhắc khi lựa chọn ghế của các thương hiệu nổi tiếng: Herman Miller (bảo hành 12 năm), Ergohuman (bảo hành 3/12 năm), GTChair (bảo hành 5 năm) …
Hi vọng sau bài viết này bạn có thể chọn được bàn ghế phù hợp để bé bước vào năm học mới. Mọi thắc mắc hay phản hồi bạn cứ để lại bình luận bên dưới nhé!