Bàn nâng hạ – vé tập gym trọn đời.

Gần đây mình có đọc bài viết 90% người bỏ tập gym sau 3 tháng ở ĐÂY. Cá nhân mình nghĩ số người bỏ tập gym chỉ khoảng 70-80% thôi (nhà mình có 4 người thì đã có 3 người bỏ tập)

Mình liên tưởng ngay đến cái bàn nâng hạ, thực ra nó cũng không khác gì vé tập gym cả. Nó cũng có cái this, cái that – tương tự có phòng tập xịn, phòng tập không xịn. Và mình nghĩ cũng có từng ấy % người dùng sẽ không sử dụng tính năng chính của nó là đứng lên để làm việc. (lý tưởng là trong 1 tiếng thì bạn nên ngồi khoảng 40-45p và đứng làm việc khoảng 15p)

Văn phòng facebook sử dụng bàn nâng hạ 2 motor – 3 ống

TẤT CẢ CÁC VẤN ĐỀ VỀ BÀN NÂNG HẠ TỪ CHÂN BÀN TỚI MẶT BÀN.

Nếu bạn để ý các văn phòng hàng đầu thế giới như Facebook, Apple, Google… thì họ đã trang bị toàn bộ bàn nâng hạ để nhân viên làm việc. Mỗi công ty một triết lý khác nhau: Facebook thì trang bị cho nhân viên ghế Aeron – chiếc ghế văn phòng tốt nhất mọi thời đại, Apple thì lại cho nhân viên ngồi ghế Vitra Pacific tại trụ sở làm việc Apple Park – giá khoảng 1500$ nhưng lại gây khó chịu cho người ngồi để bắt nhân viên của họ thường xuyên đứng để làm việc. Triết lý khác nhau, nhưng đặc điểm chung là họ đều muốn nhân viên của họ thường xuyên đứng làm việc để chống lại căn bệnh “ung thư mới” đó là ngồi quá nhiều. Để tạo thói quen đứng làm việc rõ ràng không dễ. Như mình đã nói từ đầu, nó cũng tương tự phòng gym, 70-80% sẽ bỏ cuộc sau một thời gian sử dụng.

Hãy join vào những hội thoát vị đĩa đệm, nghiên cứu khoảng 1-2 tuần để lấy động lực sử dụng chức năng nâng hạ của bàn.

Ít nhất thì bàn nâng hạ sẽ hơn vé tập gym ở chỗ là bạn sẽ set được chiều cao mặt bàn thích hợp với chiều cao của mình – trừ khi bạn mua bàn loại 2 ống (lát mình sẽ nói sau). Bàn ở Việt Nam thường bị đóng quá cao: 75-77cm. Mình 1m78 nhưng chỉ để cao độ mặt bàn là 73cm là vừa. Vì thế, khi mua bàn nâng hạ thì dù bạn có lười không chịu đứng lên để làm việc thì ít nhất bạn cũng đặt được chiều cao thích hợp để 2 chân hoàn toàn chạm đất – đây là tư thế thoải mái nhất khi làm việc.

Có lẽ không nhiều người như mình: lên đời 4 chiếc ghế từ 2tr lên 2000$ trong gần 2 năm. (mình đã có bài viết kinh nghiệm chọn ghế công thái học – các bạn có thể tìm đọc lại LINK). Và tất nhiên là cái bàn khi mình ngồi ghế 2tr cũng sẽ rất khác với cái bàn bây giờ. Tính ra mình đã dùng 3 loại chân bàn nâng hạ khác nhau trong thời gian gần 2 năm trên.

Ghế ~2tr, bàn ~1tr – combo bàn ghế tử tế đầu tiên của mình

Các yếu tố ảnh hưởng đến giá thành của chân bàn nâng hạ:

1. Chất lượng/số lượng của motor nâng hạ và thời gian bảo hành: loại 1 motor sẽ rẻ hơn loại 2 motor khá nhiều. Motor tốt với tải trọng nâng lớn sẽ đi kèm với thời gian bảo hành dài. Thường thì đồ điện tử thế này sẽ đi kèm thời gian bảo hành 2 năm là max, chứ chỗ nào nói rằng BH đồ điện tử 10 năm thì nghe có vẻ hơi… sai sai. Bạn cũng đừng quá lo lắng khi hết bảo hành chân bàn có thể hỏng. Thứ nhất, khả năng hỏng của chân bàn gần như = 0 nếu bạn mua loại chân bàn tốt. Cái này mình đã trực tiếp đánh giá khi đã bán ra hàng trăm chiếc chân bàn loại tốt nhất hiện nay. Thứ hai, nếu bạn may mắn quay phải ô mất lượt thì những nhà bán uy tín sẽ sẵn sàng hỗ trợ bạn mua motor/ bảng điều khiển mới bằng giá gốc để thay thế.

2. Chất lượng của thép và số lượng ống thép: rõ ràng loại thép lớn, khối lượng nặng sẽ đắt hơn loại thép nhỏ, khối lượng nhẹ hơn. Và loại có 3 ống thép sẽ đắt hơn loại 2 ống thép. Ngoài ra bạn cũng cần để ý đến độ hoàn thiện và lớp sơn tĩnh điện chân bàn.

3. Chân ngược hay chân xuôi: trên thị trường hiện nay có 2 loại chân ngược và chân xuôi. Loại chân ngược thường có giá rẻ hơn vì không chắc chắn bằng loại chân xuôi. Một điểm nữa mình không thích loại ngược vì nó rất… xấu (quan điểm cá nhân).

Chân ngược tương tự như ngọn tháp được thiết kế ngược vậy

4. Thương hiệu: tại sao mình lại xếp sau chất lượng motor và chất lượng thép làm chân bàn? Bởi vì không như những chiếc ghế, cần rất nhiều thời gian nghiên cứu và phát triển vì nó trực tiếp ảnh hưởng đến tư thế ngồi của bạn. Các mẫu ghế cao cấp từ các thương hiệu nổi tiếng mất rất nhiều năm và hàng triệu đô để nghiên cứu…Còn cái chân bàn thì mình chỉ cần gói gọn trọng 2 điều đầu tiên là đủ để chọn được chân bàn tốt. Thương hiệu của chân bàn thực chất là liên quan đến điều 1: đó là thời gian bảo hành và uy tín của nhà bán. Có thể bạn sẽ phải trả nhiều tiền hơn để sở hữu một chân bàn có thương hiệu thay vì chân bàn không có thương hiệu dù chúng được sx ra từ cùng 1 nhà máy.

5. Bảng điều khiển: Cái này cũng khá quan trọng, bạn cần chọn loại bảng điều khiển có ít nhất 2 vị trí nhớ: đó là vị trí ngồi và vị trí đứng của bạn để linh hoạt điều chỉnh 2 tư thế này. Nếu chiếc bàn của bạn có 2 người sử dụng thì nên chọn loại có 4 vị trí nhớ.

Có 2 loại bảng điều khiển: cảm ứng, nút bấm. Loại cảm ứng sẽ trông có vẻ xịn sò hơn nhưng với những ai thích ăn chắc mặc bền thì nên chọn loại có nút bấm, vừa rẻ vừa bền hơn. Khí hậu ở Việt Nam là nóng ẩm, nếu bạn ở nhóm 70-80% mua về không dùng thì khả năng hỏng của loại cảm ứng sẽ cao hơn loại nút bấm.

6. Loại chân bàn. Loại thông dụng nhất là loại chữ T, trọng tâm chân bàn đặt ở giữa. Một loại khác chữ L thì trọng tâm chân bàn lệch về phía sau sẽ giúp không gian phía trước thông thoáng hơn – mình đang dùng loại này.

CÁC LOẠI CHÂN BÀN NÂNG HẠ:

Trên thị trường hiện nay có 5 loại chân bàn phổ biến, cùng mình điểm danh nhé:

  • Chân bàn sử dụng 1 motor – 2 ống thép: có giá từ 3-4,5 triệu. Là loại chân bàn mình dùng đầu tiên. Đặc điểm của loại này là chỉ có thể hạ được thấp nhất là 70cm, nhưng bạn cần cộng thêm độ dày của mặt bàn (của mình là 2,5cm) – vì thế cao độ mặt bàn min của loại này sẽ nếu dùng mặt bàn tương tự mình sẽ là 72,5cm – sẽ là khá cao với những bạn khoảng 1m6 vì mình có chiều cao 1m78 chỉ dùng bàn 73cm. Một đặc điểm quan trọng nữa là nó khá rung, vì khối lượng bản thân nhỏ, ống thép nhỏ, chân bàn có kích thước nhỏ. Vì thế những ai có nhiều đồ trên bàn thì không nên mua loại này, nếu chỉ dùng ít đồ như 1-2 cái laptop thì ok, chứ lắp màn hình rời và Arm vào thì sẽ rất rung khi sử dụng.
Chân 1 motor – 2 ống thép, chiếc chân bàn đầu tiên mà mình sử dụng
  • Chân bàn sử dụng 2 motor – 2 ống thép: loại này thì chắc chắn hơn loại trên, nhưng vẫn có nhược điểm là không hạ thấp xuống được hơn 70cm + chiều dày mặt bàn.
  • Chân bàn sử dụng 2 motor – 3 ống thép : loại này khá ok, là loại phổ biến nhất trên thị trường hiện nay, giá dao động khoảng 5-7 triệu. Có khối lượng khoảng 26kg. Loại này thì cả trẻ con cũng có thể dùng được vì nó có thể hạ xuống thấp nhất là 60cm.
Chân bàn 2 motor – 3 ống thép: là loại tiếp theo, loại này chắc chắn và êm ái hơn loại 1 motor rất nhiều
  • Chân bàn sử dụng 2 motor – 3 ống thép to: ống thép ngang và dọc đều to hơn: 85x55mm (loại cũ 80×50), có khối lượng 31kg (loại cũ 26kg), chắc chắn hơn.
  • Chân bàn sử dụng 2 motor – 3 ống thép to – chữ L: là loại chân lệch về phía sau, loại này có không gian rất thoáng phía trước, bạn có thể kê đồ, khua chân múa tay thoải mái mà ko lo bị vướng.
    • Đến đây sẽ có nhiều bạn hỏi nên chọn chữ L hay chữ T. Là người đã sử dụng 3 chân bàn chữ T, và cuối cùng là đang sử dụng chân chữ L. Mình thấy thế này: theo lý thuyết, chân chữ T sẽ chắc chắn hơn chân chữ L vì trọng tâm dàn đều vào giữa. Nhưng phần lớn đồ đạc lại kê ở phần sau bàn – đúng vào trọng tâm của chân chữ L. Thực tế mình sử dụng với mặt bàn nặng 20kg, 1 màn hình 32inch, 1 laptop, kệ, đèn bàn và một số đồ đạc khác… thì sự khác nhau gần như là không có. Chân chữ L cũng thích hợp với kiểu kê bàn sát tường hơn vì nó cho không gian đằng trước thoáng hơn chữ T.
    • Nhưng nếu bạn sử dụng nhiều đồ đạc trên bàn hơn, mặt bàn dày và nặng hơn, hoặc kê bàn giữa phòng thì nên cân nhắc dùng loại chữ T.
Cuối cùng là loại chữ L – ống thép lớn, loại mình đang sử dụng hiện nay, có không gian bên dưới mặt bàn rất thoáng.

Còn các loại chân bàn nâng hạ khác như loại chữ U, loại 3-4 chân, loại chân ngắn chân dài… sẽ có giá cao hơn. Những loại này phục vụ các nhu cầu đặc biệt của người dùng và cũng không phổ biến nên mình sẽ không nói đến.

3 loại chân bàn: 1 motor (nặng 20kg), 2 motor ống nhỏ (26kg) và 2 motor ống lớn (31kg)

Một điều lưu ý là bạn nên đi giày/ dép êm khi đứng làm việc. Không cần mua thảm đứng vì nó khá vướng khi dọn dẹp. (trước đây mình đã từng mua thảm đứng và đã thanh lý)

CÁC LOẠI MẶT BÀN

Việc chọn mặt bàn khó hơn chân bàn nhiều, bởi vì chân bàn chỉ có vài loại ở trên, nhưng mặt bàn thì có hàng chục loại với nhiều chất liệu khác nhau. Cá nhân mình phải sử dụng đến chiếc mặt bàn thứ 5 thì mới ưng ý. Trong quá trình đổi mặt bàn thì chi phí “chuột bạch” cũng tốn kém hơn ghế/ chân bàn vì mặt bàn làm ra mà “toang” thì chỉ đem về dùng chứ không thanh lý được.

Video chiếc bàn nâng hạ đầu tiên của mình, mặt bàn có kích thước 80x140cm – lấy từ một chiếc bàn ăn.

Mình đã có bài viết về cao độ mặt bàn bao nhiêu là hợp lý tại ĐÂY, trong bài viết đó mình đã khuyên mọi người không bao giờ nên chọn loại bàn có ngăn kéo vì nó rất vướng khi sử dụng. Và nếu mặt bàn quá dày (khoảng 4cm trở lên) thì nhiều loại ghế sẽ không phù hợp vì bị vướng kệ để tay và sẽ làm ảnh hưởng tới tư thế ngồi của bạn. Các bạn có thể đọc lại bài viết thế nào là tư thế ngồi đúng ở ĐÂY để rõ hơn về vấn đề này.

Vì thế mình khuyến khích bạn chỉ nên dùng mặt bàn dày từ 3cm trở xuống (mình đang dùng mặt bàn dày khoảng 2,4cm nhưng đoạn tiếp xúc với kệ để tay vát xuống chỉ còn khoảng hơn 1cm)

Chất liệu mặt bàn

Cùng mình điểm danh một số loại mặt bàn phổ biến nhé:

1. Gỗ công nghiệp: Nhanh gọn và đơn giản nhất. Bạn nên chọn loại gỗ công nghiệp tốt, chống nước và yêu cầu bo cong 4 góc để tránh nguy hiểm khi sử dụng.

  • Ưu điểm: giá rẻ, dễ sản xuất, không bị nứt, cong vênh, có thể dễ dàng đặt kích thước riêng.
  • Nhược điểm: chỉ có thể bo cong được 4 góc chứ không bo cong ở vị trí người ngồi khiến bạn bị cấn tay khi sử dụng. Một nhược điểm khác là các mép dán dễ bị bong sau một thời gian sử dụng.

2. Gỗ tự nhiên: nếu bạn giống mình: từng đau điếng khi bị vướng vào góc vuông mặt bàn; cấn tay khi sử dụng, hoặc mặt bàn bị phồng do đổ nước vào… khi dùng mặt bàn gỗ công nghiệp thì hãy nghĩ ngay đến việc lựa chọn mặt bàn gỗ tự nhiên.

  • Ưu điểm: đẹp, dễ sản xuất, giá từ rẻ đến đắt tùy loại gỗ, nếu đặt kích thước riêng sẽ có giá khá cao. Có thể dễ dàng xử lý các vị trí cần bo cong để an toàn và thoải mái khi sử dụng.
Gỗ tự nhiên có thể thoải mái gia công, sản xuất theo ý muốn
  • Nhược điểm: dễ bị cong vênh, nứt gãy.
1 mặt bàn có luôn combo: cong vênh bên phải, nứt gãy bên trái

3. Mặt bàn resin hoặc resin kết hợp gỗ: mình đã tìm hiểu và bỏ ngay ý định làm, bởi vì nó quá đắt.

4. Kính cường lực: Mát mẻ vào mùa hè và lạnh lẽo vào mùa đông. Nói chung mình không khuyến kích, nhưng nếu bạn muốn thử một mặt bàn độc đáo, không đụng hàng, đi kèm với chút cảm giác mạnh thì có thể thử.

Mặt bàn cho cảm giác mát lạnh + mạnh

5. Các loại chất liệu khác: còn rất nhiều loại chất liệu mà mình chưa tìm hiểu và sử dụng. Các bạn có thể để lại comment bên dưới nếu có những trải nghiệm về những loại mặt bàn độc đáo nhé.

Ở phần sau, mình sẽ nói kỹ hơn về mặt bàn gỗ tự nhiên cho những ai muốn tìm hiểu. Tưởng đơn giản nhưng thực sự không đơn giản tí nào. Đồ gỗ thì chắc các bạn đã từng nghe bộ bàn ghế hàng chục triệu, hàng trăm triệu… rồi phải không. Món nào cũng vậy, khi tìm hiểu và “nhảy vào hố vôi” thì sẽ có rất nhiều thứ để nói. Các bạn click vào link bên dưới nhé:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

0919200815
Liên hệ